• Tidak ada hasil yang ditemukan

Một số yêu cầu nhằm đảm bảo

N/A
N/A
Nguyễn Gia Hào

Academic year: 2023

Membagikan "Một số yêu cầu nhằm đảm bảo "

Copied!
11
0
0

Teks penuh

(1)

69

Original Article

Some Requirements to Guarantee the Quality of Legal Education in the Digital Transformation Era in Vietnam

Nguyen Thanh Huyen

*

VNU University of Law, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam

Received 1st March 2022

Revised 10 June 2022; Accepted 20 November 2022

Abstract: The development of society requires workers, especially those with high professional qualifications such as bachelor's, master's, and doctor of philosophy degrees in law, to have professional, technological, and foreign language capabilities; to have good skills and attitudes. For learners to achieve those competency standards, the requirement for training is to have an appropriate training method to maximize their learning ability, and that training method is digital transformation. To successfully implement a digital transformation, training institutions need to ensure the requirements of: i) Human resources - lecturers with professional qualifications, practical experience, and the ability to work and teach in the digital age; departmental staff with professional qualifications, proficient use of technology to meet the job requirements; ii) Physical resources - synchronous and preeminent facilities to meet online learning, teaching, and research; iii) Financial resources to meet learning and teaching in the digital age and iv) Appropriate mechanisms and policies for successful digital transformation in training. This article analyzes the factors above and proposes solutions to ensure the quality of legal education in training institutions in the context of digital transformation in Vietnam.

Keywords: Digital transformation, training, law, requirements.*

________

* Corresponding author.

E-mail address: huyennt76@vnu.edu.vn https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls.4447

(2)

Một số yêu cầu nhằm đảm bảo

chất lượng đào tạo ngành luật của các cơ sở đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam

Nguyễn Thanh Huyền

*

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam Nhận ngày 01 tháng 3 năm 2022

Chỉnh sửa ngày 10 tháng 6 năm 2022; Chấp nhận đăng ngày 20 tháng 11 năm 2022

Tóm tắt: Sự phát triển của xã hội đòi hỏi người lao động, đặc biệt là người lao động có trình độ chuyên môn cao như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật phải có được các năng lực về chuyên môn, công nghệ, ngoại ngữ, và có kỹ năng, thái độ tốt,... Để người học đạt được các chuẩn năng lực đó thì yêu cầu đặt ra đối với việc đào tạo là cần có cách thức đào tạo phù hợp nhằm tối đa hóa khả năng học tập của họ, và đó chính là chuyển đổi số. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, các cơ sở đào tạo cần đảm bảo các yêu cầu về: i) Nhân lực - đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng làm việc, giảng dạy trong thời đại kỹ thuật số;

cán bộ phòng ban có trình độ chuyên môn, sử dụng thành thạo công nghệ đáp ứng yêu cầu công việc; ii) Về vật lực - cơ sở vật chất đồng bộ, ưu việt đáp ứng học tập, giảng dạy, nghiên cứu trực tuyến; iii) Về tài lực - tài chính để đáp ứng việc học tập, giảng dạy trong thời đại số hóa và iv) về cơ chế, chính sách phù hợp để chuyển đổi số trong đào tạo thành công. Bài viết này phân tích các yếu tố trên và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ngành luật của các cơ sở đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam.

Từ khóa: Chuyển đổi số, đào tạo, luật, yêu cầu.

1. Sự cần thiết phải chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo ngành luật *

Sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt công nghệ 4.0 đã trực tiếp làm thay đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong đời sống kinh tế - xã hội,… Do đó, xã hội đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với chất lượng cao hơn, có khả năng tiếp cận và thích ứng tốt hơn đối với những thay đổi công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giáo dục, đào tạo nói chung và đào tạo ngành luật nói riêng là hoạt động tạo ra “chất lượng” nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, giáo dục, ________

* Tác giả liên hệ.

Địa chỉ email: huyennt76@vnu.edu.vn https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls.4447

đào tạo không thể giữ nguyên phương thức đào tạo truyền thống (trực tiếp - offline) và cách thức quản lý, làm việc trực tiếp giữa người học và nhà trường mà giáo dục, đào tạo cũng phải thay đổi, thích ứng theo phương thức hiện đại, thuận tiện để có thể đào tạo ra “đội ngũ nhân lực” với khả năng chủ động lĩnh hội kiến thức, thúc đẩy quá trình tự học, tự nghiên cứu và học tập suốt đời, và khả năng phát triển bản thân. Chúng ta cần phải thực hiện một cuộc “cách mạng” trong đào tạo - đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số. Việc thực hiện một loạt các thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc các mô hình đào tạo hiện có, từ đó mang đến những cơ hội và giá trị

(3)

mới cho đơn vị đào tạo. Kết hợp giữa đào tạo trực tiếp và trực tuyến, cũng như mở ra cơ hội tự học trên nền tảng công nghệ cho người học là một yêu cầu bức thiết.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cùng với yếu tố khách quan - đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến cho 191 quốc gia đã đóng cửa các cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng đến 90,2% học sinh trên thế giới và 1,57 tỷ trẻ em và thanh niên đang học bên ngoài lớp học [1]. Yếu tố này càng thúc đẩy việc nghiên cứu và áp dụng việc đào tạo trực tuyến vào các trường đại học cũng như tất cả các cấp học trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hình thức học trực tuyến không phải là phương thức bị động, mà là bước đi chủ động và mang tính dài hạn. Năng lực công nghệ số trở thành một yếu tố thiết yếu cho mỗi giảng viên và sinh viên bởi sự ảnh hưởng của nó đến chất lượng đào tạo,

“với năng lực tốt, khả năng tìm hiểu và kết nối kiến thức sẽ thúc đẩy sáng tạo vượt ra ngoài phạm vi lớp học truyền thống” [2]. Vì Dữ liệu lớn (Bigdata) giúp lưu trữ mọi kiến thức lên mạng; Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) giúp theo dõi hoạt động của học sinh, quản lý, giám sát học sinh; công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) giúp quản lý thông tin, hồ sơ giáo dục của học sinh, cho phép quản lý, chia sẻ dữ liệu từ nhiều trường khác nhau, ghi chép lại lịch sử học, bảng điểm để đảm bảo thông tin được minh bạch [3]. “Chuyển đổi số trong đào tạo đại học thực chất là đưa toàn bộ hoạt động đào tạo lên môi trường số, là sự thay đổi cách vận hành của hoạt động đào tạo trên 04 nội dung trọng tâm: hoạt động giảng dạy, hoạt động học tập, hoạt động nghiên cứu và hoạt động quản lý các quá trình dạy, học và nghiên cứu” [4]. Trong hoạt động đào tạo, cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ giúp cho người học có được cơ hội học tập tốt nhất, giảng viên có cơ hội trải nghiệm các phương thức giảng dạy, tương tác với sinh viên đạt hiệu quả cao và cơ sở đào tạo quản lý hệ thống học tập của người học được tốt hơn thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

Một là, đối với người học

Người học tự lên lịch trình học tập của mình bằng cách chủ động đăng ký học phần mong muốn học tập trên Hệ thống Quản lý Học tập (Learning Management System - LMS).

Người học có thể tự học tập trên nền tảng công nghệ với nguồn học liệu mở phong phú như bài giảng điện tử và thư viện điện tử trên hệ thống LMS, thậm chí, người học có thể tải nội dung học tập về máy tính hoặc điện thoại thông minh cá nhân để học tập trong trường hợp không có internet (tự học offline) và khi đăng nhập lại hệ thống trên máy tính hoặc điện thoại thông minh cá nhân, hệ thống sẽ tự động ghi nhận kết quả học tập offline của người học lên tiến trình học tập (ví dụ: Hệ thống học tập Global English của Pearson, hiện nay là Learnship)

Người học có thể thực hiện hoạt động học tập trực tuyến, cũng như trao đổi trong diễn đàn học tập trên hệ thống LMS.

Hai là, đối với giảng viên

Giảng viên có thể thực hiện các hoạt động giảng dạy, tương tác với người học trên hệ thống một cách thuận lợi, cá nhân hoá từng hoạt động học tập của người học và tạo điều kiện để người học có thể phát triển năng lực một cách tốt nhất.

Giảng viên thực hiện hoạt động kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của người học trên hệ thống mà vẫn đảm bảo sự trung thực, minh bạch, khách quan và kịp thời.

Ba là, đối với cơ sở đào tạo

Cơ sở đào tạo có thể quản lý toàn bộ quá trình học tập, tích luỹ kiến thức của người học từ lúc nhập học đến kết thúc khoá học, tốt nghiệp ra trường, cũng như lưu trữ hoạt động của giảng viên, người học trong quá trình học tập và có thể xuất ra dữ liệu theo yêu cầu. Kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến một cách dễ dàng.

Với những ưu điểm vượt trội nêu trên của việc áp dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục, đào tạo và nhu cầu bức thiết của xã hội nên việc chuyển đổi số trong đào tạo là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận diện đầy đủ các thách thức trong khi thực hiện chuyển đổi số

(4)

đối với hoạt động đào tạo ngành luật nói riêng và hoạt động đào tạo nói chung.

2. Các yêu cầu để chuyển đổi số thành công trong hoạt động đào tạo đại học ngành luật 2.1. Yêu cầu về cơ chế, chính sách và quy định pháp lý đối với chuyển đổi số trong đào tạo đại học

Thứ nhất, yêu cầu đối với quy định về đào tạo, giảng dạy khi chuyển đổi số.

Trong những năm qua, nhiều quy định về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và đổi mới về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói riêng cũng đã được thể hiện trong các chính sách của Đảng và văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như:

Nghị quyết số 29/NQ-TW/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ngày 4 tháng 11 năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 ban hành “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22 tháng 04 năm 2016 quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Các quy định này là cơ sở pháp lý để các cơ sở đào tạo thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo nói chung và hoạt động chuyển đổi số nói riêng.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước từ ngày 01/4/2020 thì hoạt động giảng dạy, đào tạo của các trường đại học bị gián đoạn vì thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện giảng dạy trực tuyến, cũng như cách thức tổ chức thi cho người học trong khi không thể đến lớp trực tiếp.

Một số cơ sở đào tạo, căn cứ vào thẩm quyền của mình đã ban hành công văn hướng dẫn hoặc quyết định áp dụng đào tạo trực tuyến như: Công văn số 944/ĐHQGHN-ĐT của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) ngày 27 tháng 3 năm 2020 về việc hướng dẫn triển khai công tác ĐTTX, ĐTTT ứng phó với dịch COVID-19;

Quyết định số 2598/QĐ-ĐHQGHN ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Giám đốc ĐHQGHN về tổ chức và quản lý đào tạo trực tuyến ở ĐHQGHN.

Ngày 18 tháng 03 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 08/2021/TT- BGDĐT Ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học (sau đây gọi là Thông tư số 08/2021/TT- BGDĐT), và văn bản này có hiệu lực từ ngày 03 tháng 5 năm 2021. Theo đó, thì hình thức đào tạo đại học chính quy và đào tạo vừa học, vừa làm có thể đào tạo trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức lớp học phương thức trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học phương thức trực tiếp và tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng đủ điều kiện và có thể tuyển sinh trực tuyến, đánh giá trực tuyến.

Thứ hai, yêu cầu hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với học liệu, bài giảng điện tử trong hoạt động giảng dạy khi chuyển đổi số.

Một yêu cầu nữa đặt ra đối với vấn đề pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với học liệu điện tử, bài giảng điện tử, bài giảng ghi âm, ghi hình của giảng viên. Hiện nay, khi giảng dạy trên nền tảng công nghệ số hầu hết các bài giảng của giảng viên đều được ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền tác giả đối với loại bài giảng này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn luận. Mặc dù,

(5)

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022) có ghi nhận “bài giảng” là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả nhưng tác giả phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là vấn đề không dễ đối với mỗi giảng viên và có phải mỗi bài giảng giảng viên lại đi đăng ký quyền tác giả? Về quyền sở hữu đối với bài giảng được ghi âm, ghi hình của giảng viên thuộc về ai, cũng chưa có quy định cụ thể (thuộc về cơ sở đào tạo hay thuộc về giảng viên-tác giả của bài giảng).

Bài giảng điện tử hoặc bản ghi âm, ghi hình được sử dụng làm nguồn học liệu cho người học thì tác giả có được chi trả tiền bản quyền hay không và được chi trả như thế nào cũng cần có hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, quy định về kiểm định chất lượng và công nhận kết quả của người học khi dạy - học và thi trực tuyến.

Đối với vấn đề định dạng câu hỏi thi khi chuyển đổi số, hệ thống LMS có thể gán rất nhiều định dạng câu hỏi thi.

Ví dụ: các dạng câu hỏi thi của hệ thống Saba như: có/không (yes/no), trắc nghiệm (1 đáp án - multi - choice - single answer); đúng/sai (true/false);

trắc nghiệm (nhiều đáp án - all that apply); điền vào chỗ trống (fill in blank - dạng text); điền vào chỗ trống (dạng số - numeric fill in blank); ghép nối (matching); chọn điểm ảnh (hot spot); menu xổ xuống (pulldown menu); câu hỏi dạng nội dung (case study áp dụng cho nhiều loại câu hỏi); ghép nối không cân xứng (nghĩa là 2 cột đáp án để ghép nối nó không bằng nhau), và tiểu luận.

Dạng tiểu luận thì hệ thống cho phép gán người chấm bài vào. Hầu hết các dạng câu hỏi đều cho phép chèn file âm thanh, hình ảnh, video vào như: trắc nghiệm lựa chọn đáp án đúng nhất (multi - choice); trắc nghiệm đúng/sai-giải thích;

sắp xếp (match); bài luận,…

Đối với vấn đề kiểm định chất lượng trên hệ thống LMS để đảm bảo minh bạch, khách quan, chống gian lận thi cử thì hệ thống LMS có những cách thức phù hợp để đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Ví dụ: Hệ thống LMS của Saba cho phép tạo 2 loại bài kiểm tra i) Online đơn thuần: học viên nhận đường dẫn (link) đượcc gửi và vào làm bài

kiểm tra trên máy tính; ii) Bài kiểm tra được in ra giấy - người học cũng làm bài kiểm tra online, nhưng hệ thống cho phép in ra giấy để học viên làm, sau đó bài làm của học viên được scan lại lên hệ thống để hệ thống tự động chấm điểm.

Về hình thức bảo mật các loại bài kiểm tra thì Hệ thống LMS của Saba có khả năng: i) Tạo mật mã riêng cho bài kiểm tra, ai có thì mới mở ra được; ii) Giám thị từ xa - có nghĩa là khi người học làm bài thì hệ thống yêu cầu bật camera và mic lên. Hệ thống sẽ tự động ghi lại cả màn hình bài kiểm ra học viên đang thao tác và hình ảnh của học viên khi đang làm bài. Sau khi học viên nộp bài, giám thị được gán cho bài kiểm tra đó có thể vào xem lại; Hệ thống có thể tự động phát hiện các sai phạm nếu học viên đổi cửa sổ màn hình khác, hoặc có ánh mắt, cử chỉ không tập trung vào màn hình. Giám thị chỉ cần vào xem sơ bộ hoặc nhấn vào các chỗ hệ thống đã tự phát hiện để chấp nhận kết quả hoặc từ chối kết quả thi.

Thứ tư, yêu cầu đối với hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng khi giảng dạy, học tập trên hệ thống trực tuyến.

Vấn đề an toàn, an ninh và thông tin cá nhân của cả người dạy và người học trên môi trường mạng rất cần được quan tâm. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lên tiếng cảnh báo về hình thức tấn công “Zoombombing” nhằm vào ứng dụng gọi điện video Zoom, cho phép tin tặc có thể chèn những nội dung không mong muốn vào nội dung cuộc gọi [5] gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng bài giảng trực tuyến và tâm lý hoang mang, lo sợ của người dạy và người học.

Ngoài ra, hình thức tấn công cơ sở dữ liệu (SQL Injection), trong đó tin tặc chèn một đoạn mã độc hại vào server sử dụng ngôn ngữ SQL để đánh cắp những dữ liệu quan trọng. Đây cũng là vấn đề mà khi thực hiện chuyển đổi số các cơ sở đào tạo cần phải có giải pháp để phòng ngừa và từ phía nhà nước cần có hành lang pháp lý để bảo vệ người dạy, người học và cơ sở đào tạo an toàn trên không gian mạng.

2.2. Yêu cầu về nhân lực

Nhân lực là yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi số thành công nên các cơ sở đào tạo

(6)

cần phải có kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho công việc này. Chuyển đổi số là sự thay đổi về “chất” trong đào tạo đại học và có rất nhiều công việc phải thực hiện trong các giai đoạn.

Chính vì vậy, để thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong đào tạo đại học đòi hỏi ý chí, sự quyết tâm của lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường. Các cán bộ, giảng viên cần được hướng dẫn cụ thể để có thể quản lý và sử dụng hệ thống một cách thành thạo.

Quá trình chuyển đổi số thường diễn ra theo các bước như: Bước 1: Số hóa là bước chuyển mọi thông tin sang dạng kỹ thuật số. Bước 2:

Ứng dụng kỹ thuật số sử dụng các dữ liệu số để đơn giản hóa cách nhân viên làm việc và thay đổi cách làm việc của tổ chức. Bước 3: Chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện của mô hình và tổ chức bằng các thông tin kỹ thuật số. Do đó, tất cả các bộ phận trong nhà trường cần phải thực hiện nhiệm vụ số hoá (chuyển mọi thông tin sang dạng kỹ thuật số) theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận như: Phòng đào tạo; phòng khảo thí; phòng công tác sinh viên; các khoa, bộ môn;... tiếp theo là thực hiện dữ liệu số để thay đổi cách làm việc. Ví dụ: tuyển sinh năm học 2021-2022, hầu hết các trường đại học đã thực hiện việc nhập học trực tuyến như ĐHQGHN:

http://tuyensinh.vnu.edu.vn/Nhaphoc/; Trường Đại học Thuỷ Lợi: http://nhaphoc.tlu.edu.vn hay Trường Đại học ngoại thương với hơn 10 nghìn sinh viên, trường đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Leased Line, wifi,... Trường còn đẩy mạnh tương tác trên mạng, phát huy sáng kiến của giảng viên và sinh viên [6].

Đối với đội ngũ giảng viên, khi thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy cũng cần sự nỗ lực để tiếp cận và sử dụng thành thạo hệ thống phần mềm, số hoá các tài liệu học tập đưa lên hệ thống LMS cho người học như đề cương, tài liệu học tập, bài giảng powerpoint, cách xây dựng video bài giảng…; tổ chức giao bài thảo luận, giao bài kiểm tra quá trình trên hệ thống, chấm điểm, trả điểm trên hệ thống cho người học. Trong thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo mới chỉ sử dụng công cụ hội họp trực tuyến như Zoom (cho phép nhiều người cùng kết nối, đàm thoại, chia sẻ màn

hình, ghi lại cuộc họp và lưu trữ lên dữ liệu đám mây) mà chưa sử dụng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến tích hợp tất cả các chức năng.

Đối với người học cần có tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống, bộ phận giải đáp, hỗ trợ 24/7 để người học có thể sử dụng hệ thống một cách tốt nhất.

Như vậy, để chuyển đổi số thành công thì nguồn nhân lực cần có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số như: kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống phục vụ công việc dạy học;

kỹ năng an toàn thông tin.

2.3. Yêu cầu về vật lực

Để thực hiện chuyển đổi số thành công thì yêu cầu về vật lực như hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông, cơ sở vật chất cơ bản phải được trang bị đồng bộ. Đối với trường đại học thì tuỳ theo nhu cầu và khả năng tài chính mà nhà trường có thể đầu tư theo một trong hai cách sau:

Cách 1: Mua hệ thống LMS và cài đặt, quản lý tại nhà trường - hình thức này, cơ sở đào tạo phải đầu tư một khoản vốn lớn để mua phần mềm và hệ thống máy chủ, cũng như nhân lực để vận hành. Cách 2: Mua LMS dựa trên nền tảng đám mây theo số lượng người dùng, các giải pháp LMS dựa trên đám mây thường tiết kiệm chi phí hơn trong ngắn hạn, cũng như không phải trả tiền bảo trì, bảo dưỡng hay nâng cấp hệ thống.

Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đại học lớn có đầu tư hệ thống LMS theo cách 1. Ví dụ:

Trường Đại học Mở Hà Nội [7]; Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;

ĐHQGHN đầu tư hệ thống LMS, toàn bộ dữ liệu, nội dung dạy - học được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của ĐHQGHN [8], hệ thống này cho phép: Quản lý người dùng; quản lý học tập của sinh viên; tổ chức giảng dạy của giảng viên; quản lý danh mục chương trình đào tạo và học phần;

quản lý học liệu, bài giảng; quản lý lớp học phần, lớp khóa học; quản lý chứng chỉ; quản lý hoạt động thi, kiểm tra; quản lý thông tin giảng viên;

Hệ thống giao tiếp, trao đổi, liên lạc; quản lý thanh toán; hỗ trợ học tập trên thiết bị di động;

(7)

quản lý báo cáo; tổ chức và quản lý lớp học tương tác trực tiếp; quản trị hệ thống [8].

Một số cơ sở đào tạo đại học khác thì sử dụng hệ thống LMS theo cách 2 (mua theo số lượng người dùng trên hệ thống LMS cloud) như Trường Đại học Hà Nội sử dụng hệ thống LMS của Saba.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và nhiều cơ sở đào tạo đại học không có hệ thống LMS để phục vụ hoạt động giảng dạy thì các cơ sở này đã sử dụng các phần mềm đào tạo trực tuyến như Zoom; Microsoft Teams; TranS;

Google Meet,…

Đây là giải pháp tình thế để hoạt động giảng dạy-học tập không bị gián đoạn. Tuy nhiên, các công cụ này không thể giúp việc thực hiện hoạt động quản lý đào tạo và giảng dạy một cách đầy đủ nên giảng viên thường sử dụng kết hợp với một số phần mềm khác để quản lý lớp học được hiệu quả hơn.

Ví dụ: khi thực hiện hoạt động giảng dạy trên nền tảng Zoom, giảng viên có thể giảng dạy trực tuyến, chia phòng thảo luận nhóm, nhận, gửi tin nhắn, tài liệu với người học, có thể ghi âm buổi học trên máy tính hoặc trên đám mây,... Tuy nhiên, khi lớp học đóng lại thì các thông tin trên mục trò chuyện sẽ mất đi. Vì vậy, một số giảng viên đã sử dụng thêm sự hỗ trợ từ phần mềm Google classroom để thực hiện việc gửi và nộp bài tập hàng tuần/bài kiểm tra giữa kỳ/bài tiểu luận cuối kỳ,…

Về phía người học thì ít nhất cần chuẩn bị nơi học tập có phủ sóng internet và thiết bị học tập có thể kết nối internet. Trên thực tế, không phải người học nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện việc học tập trực tuyến. Theo kết quả khảo sát của tác giả Nguyễn Thị Xuân Sơn và cộng sự tại Khoa Luật ĐHQGHN thì có tới 84,9% sinh viên tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng với chất lượng phòng học trực tuyến; có một số ý kiến cho rằng học trực tuyến giúp cải thiện khả năng tiếp cận các kỹ năng công nghệ của họ, rèn luyện sáng kiến trong học tập, cũng như đề xuất kéo dài thời gian học trực tuyến để bảo vệ học sinh khỏi đại dịch [9]. Tuy nhiên, cũng có tới 35%

sinh viên tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn (bao gồm máy

tính, loa,…) và 37% sinh viên được khảo sát cho rằng khu vực sinh sống Internet không ổn định [9].

Để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động toàn dân chung tay thực hiện Chương trình

“Sóng và máy tính cho em” [10] nhằm kêu gọi sự ủng hộ để tất cả học sinh, sinh viên có thiết bị và điều kiện tham gia học trực tuyến trong năm học 2021 - 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Như vậy, để thực hiện việc chuyển đổi số thành công các cơ sở đào tạo đại học cần được đầu tư về cơ sở vật chất một cách có hệ thống.

Trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học thì các trường đại học rất cần có cơ chế chính sách phù hợp để có nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động đào tạo và chuyển đổi số thành công.

2.4. Yêu cầu về tài lực

Để thực hiện chuyển đổi số thì các trường đại học cần có nguồn tài chính để đầu tư cho cơ sở vật chất (đầu tư hệ thống) và đầu tư cho việc vận hành hệ thống LMS.

Như đã phân tích tại mục 2.3, thì tuỳ vào tình hình tài chính của đơn vị mà có thể lựa chọn đầu tư hệ thống theo cách mua hệ thống LMS hoặc mua theo số lượng người dùng. Đối với các trường đại học mua hệ thống LMS (On premise) thì cũng cần phải đầu tư tài chính và nhân sự cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật để quản lý, vận hành hệ thống. Đối với hình thức mua hệ thống LMS đám mây (Cloud based) theo số lượng người dùng thì cơ sở đào tạo chỉ thực hiện việc đào tạo cán bộ, giảng viên để sử dụng, vận hành hệ thống.

Nguồn tài chính phục vụ cho việc số hoá dữ liệu lên hệ thống, cho việc chuẩn bị bài giảng điện tử, video giảng dạy,… để người học không chỉ tham gia học tương tác với giảng viên trên các lớp trực tuyến mà có thể tự học nội dung của học phần trên bài giảng e-learning.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo đại học không chỉ cần nguồn tài chính mạnh mẽ để thực hiện chuyển đổi số mà cần xây dựng chính sách rõ ràng để thực hiện đạt hiệu quả cao. Ví dụ: Ban

(8)

hành quy chế về chi trả thù lao xây dựng bài giảng điện tử; học liệu giảng dạy trực tuyến...

3. Một số giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ngành luật khi chuyển đổi số

3.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Thứ nhất, cần có sự đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về chuyển đổi số tại các cơ sở đào tạo đại học.

Nhà nước đã ban hành khá nhiều quy định về việc chuyển đổi số nói chung nhưng chuyển đổi số trong giáo dục thì vẫn cần những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đặc biệt Thông tư số 12/2016/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22 tháng 04 năm 2016 quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng đã cho phép các cơ sở đào tạo đại học chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng , cho phép thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định môn học, học phần trong các chương trình đào tạo của đơn vị được phép thực hiện qua mạng trên cơ sở các quy định của Quy chế đào tạo hiện hành . Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, đó là phải có: 1) Cổng thông tin điện tử đào tạo qua mạng; 2) Hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet; 3) Hệ thống quản lý học tập; 4) Hệ thống quản lý nội dung học tập; 5) Kho học liệu số; 6) Đội ngũ nhân lực đảm bảo triển khai hoạt động đào tạo qua mạng như: i) Đội ngũ cán bộ quản trị kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin; ii) Đội ngũ cán bộ thiết kế học liệu; iii) Đội ngũ nhà giáo có thể tự xây dựng bài giảng e-Learning; iv) Đội ngũ cán bộ cố vấn học tập.

Văn bản này ra đời cách đây 5 năm nhưng chưa thực sự thúc đẩy các cơ sở đào tạo thực hiện chuyển đổi số vì sự thiếu đồng bộ với các văn bản pháp luật khác như quy chế đào tạo hiện hành chưa quy định về số lượng học phần được phép đào tạo qua mạng và phải đến ngày 03 tháng 5 năm 2021, khi Thông tư số 08/2021/TT- BGDĐT và ngày 15 tháng 10 năm 2021 Thông

tư số 23/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thì hình thức đào tạo đại học chính quy và đào tạo vừa học, vừa làm, đào tạo trình độ thạc sĩ mới có thể đào tạo trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng với một số lượng học phần nhất định - tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Như vậy, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và các cơ sở đào tạo đại học phải thực hiện đào tạo trực tuyến, thi trực tuyến thì chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp dụng. Ngày 13/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai đào tạo từ xa đối với các khoá đào tạo chính quy, vừa làm vừa học nhằm ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19. Tiếp đó, ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH về việc Bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Ngày 26/02/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Công văn số 707/BGDĐT-GDĐH Hướng dẫn đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến năm 2021 trong thời gian dịch COVID-19. Đây là những hướng dẫn kịp thời để các cơ sở đào tạo thực hiện trong tình thế cấp bách. Tuy nhiên, những hướng dẫn này thiếu cơ sở pháp lý.

Một điểm vướng mắc về quy định pháp luật trong chuyển đổi số nữa trong Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT lại chỉ áp dụng cho các khoá đào tạo đại học và thạc sĩ trúng tuyển từ ngày các thông tư này có hiệu lực thi hành, trong khi các khoá đã tuyển sinh và đang đào tạo trước ngày văn bản này có hiệu lực vẫn phải thực hiện đào tạo trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Điều này gây khó khăn trong việc áp dụng văn bản của các cơ sở đào tạo đại học.

Do đó, để khắc phục những điểm còn bất hợp lý trong khi xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học nói chung và chuyển đổi số nói riêng cần có sự nghiên cứu, đánh giá và rà soát hệ thống văn bản một đầy đủ

(9)

và nghiêm túc, đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần có ý kiến góp ý đối với các dự thảo ban hành Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến đào tạo đại học, sau đại học vì chính các cơ sở này sẽ là đối tượng thực hiện văn bản pháp luật này.

Thứ hai, cơ sở giáo dục đại học nên xây dựng quy chế về việc thực hiện pháp luật sở hữu trí tuệ, trong đó quy định về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với bài giảng điện tử, giáo án điện tử, bài giảng trực tuyến,… của giảng viên. Hiện nay, trong thực tế một số cơ sở đào tạo đại học có sản xuất khá nhiều bài giảng điện tử do giảng viên xây dựng được đưa lên hệ thống LMS và nhà trường chi trả thù lao cho giảng viên theo quy chế chi tiêu nội bộ sau khi bài giảng điện tử được nghiệm thu và quyền sở hữu bài giảng điện tử thuộc về nhà trường. Các bài giảng điện tử được sản xuất trên cơ sở giáo trình đã được nghiệm thu. Tuy nhiên, đa số các trường đại học đều chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với những bài giảng điện tử này và chủ yếu sử dụng nội bộ chưa có sự chia sẻ hay bán quyền sử dụng giữa các cơ sở đào tạo cùng ngành giữa các trường đại học.

Về các học liệu tham khảo dưới dạng video, hình ảnh đưa lên hệ thống LMS thường do giảng viên tự xây dựng hoặc sử dụng những học liệu từ nguồn tài nguyên giáo dục mở (open edu- cational resources - OER) [11].

Việc sử dụng lại toàn bộ bài giảng được ghi âm, ghi hình của giảng viên trên hệ thống LMS cũng cần được quy định cụ thể, và có chính sách bảo vệ, cũng như quy định về việc trả phí hay không trả phí cho giảng viên. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đưa lại bài giảng được ghi âm, ghi hình (cả giảng trực tiếp và giảng trực tuyến) lên hệ thống LMS cho người học tham khảo nhưng không có bất kỳ sự trả phí nào cho giảng viên mà coi như kinh phí đã được chi trả vào tiền lương.

Điều này không hợp lý vì căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022), bài giảng của giảng viên là một trong các đối tượng được bảo hộ theo luật về quyền tác giả. Giảng viên là người bỏ ra công sức, chất xám; thậm chí là tài chính để đảm bảo chất lượng bài giảng; các thiết bị phục vụ việc

xây dựng bài giảng. Vì vậy, giảng viên là người có quyền sở hữu đối với bài giảng của mình.

Mặc dù, Luật An ninh mạng năm 2018 đã tạo ra hành hành pháp lý cần thiết để bảo vệ cá nhân, tổ chức trên không gian mạng, nhưng các cơ sở đào tạo đại học cũng cần ban hành quy chế cụ thể và có các hình thức kỷ luật phù hợp đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng để bảo vệ người dạy, người học và cơ sở đào tạo.

3.2. Giải pháp về nhân lực

Nguồn lực là nhân tố then chốt vận hành chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong đào tạo đại học nói riêng. Nếu như việc nâng cấp hay đầu tư vào công nghệ, thiết bị có thể diễn ra nhanh chóng (chỉ cần có chi phí, nhà tư vấn) thì việc nâng cao trình độ, nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ giảng viên, cán bộ chuyên môn những kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ, làm chủ hệ thống cần nhiều thời gian hơn. Để chuyển đổi số thành công cần sự nỗ lực của cả tập thể sư phạm nhà trường.

Trước hết, nhà trường cần đào tạo để tất cả cán bộ, giảng viên ở các bộ phận, người học đều sử dụng, vận hành hệ thống thành công, sử dụng thành thạo các công cụ, phần mềm hỗ trợ giảng dạy hiện đại. Ví dụ: ĐHQGHN đang tổ chức Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên” nhằm cung cấp các lý thuyết cơ bản và hướng dẫn thực hành cụ thể để các giáo viên, giảng viên ĐHQGHN có thể thiết kế và tổ chức giảng dạy các lớp học của mình theo hình thức trực tuyến/kết hợp hiệu quả.

Thứ hai, đào tạo, hướng dẫn để giảng viên hoặc nhóm giảng viên có thể tự xây dựng bài giảng điện tử, tài liệu điện tử, quản lý lớp học thông minh trên hệ thống. Tuy nhiên, trong thực tế việc phát triển tài liệu trực tuyến rất tốn thời gian và cũng rất khó cho các giảng viên (từ việc biên tập nội dung, thu âm, lựa chọn hình ảnh, sử dụng công nghệ để xây dựng khoá học,…). Vì vậy, các đơn vị đào tạo nên có một nhà phát triển chuyên dụng để hỗ trợ giảng viên phát triển tài liệu trực tuyến.

(10)

Thứ ba, các nhà quản lý có thể quản lý, chia sẻ dữ liệu từ các trường báo cáo khác nhau để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện hoạt động giảng dạy, học tập.

3.3. Giải pháp về cơ sở, vật chất

Để thực hiện chuyển đổi số thì cơ sở vật chất là điều thiết yếu, các cơ sở giáo dục đại học tuỳ thuộc vào điều kiện của mình mà có thể lựa chọn công nghệ mở hoặc công nghệ đóng (Hệ thống quản lý học tập -LMS) để thực hiện chuyển đổi số. Mỗi công nghệ đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.

Đối với công nghệ mở thì có một số ưu điểm sau: i) Quen thuộc với người học nên dễ chuyển tải nội dung học tập và họ dễ thực hiện; ii) Đối với giảng viên thì công nghệ này dễ sử dụng, giáo viên có thể tự thiết lập các môi trường học tập mà không cần phải trải qua một quy trình hành chính phức tạp; iii) Công nghệ này được nâng cấp liên tục nên có thể sử dụng các phiên bản mới nhất; iv) Công nghệ này thường miễn phí hoặc trả phí; v) Giáo viên dễ dàng mời người bên ngoài tham gia mà không phải trải qua các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công nghệ mở cũng có những hạn chế nhất định như: không tích hợp, không thể tự động tích hợp với hệ thống quản lý đăng ký học tập, và điểm số phải được ghi lại và nhập vào các hệ thống quản trị của cơ sở giáo dục theo cách thủ công; không có hồ sơ quản lý chính thức trên hệ thống [12].

Đối với công nghệ đóng thì tất cả các thành phần trực tuyến của một lớp học được truy cập và lưu trữ an toàn trên các máy chủ của cơ sở đào tạo nên việc truy cập vào một lớp học trực tuyến được bảo vệ bằng mật khẩu và chỉ giới hạn cho giảng viên và sinh viên của cơ sở giáo dục, làm cho nó trở thành một môi trường an toàn, riêng tư và được kiểm soát. Bên cạnh đó, hệ thống này có khả năng đồng bộ hóa điểm số với hệ thống quản trị của cơ sở giáo dục, cũng như khả năng lưu trữ an toàn [12].

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng cộng nghệ đóng và thực hiện thành công giảng dạy, học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên hệ thống LMS như Trường Đại học Mở Hà

Nội. ĐHQGHN đang áp dụng hệ thống LMS tại Trung tâm Quốc phòng an ninh và đang triển khai cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên còn một số đơn vị thành viên vẫn đang sử dụng công nghệ mở như Zoom, Microsoft Teams.

3.4. Giải pháp về tài chính

Để chuyển đổi số thành công thì cơ sở đào tạo đại học cần đầu tư nguồn tài chính mạnh mẽ cho hoạt động này. Trong thực tế, những năm qua các trường đại học công lập ở nước ta đang từng bước thực hiện tự chủ đại học mà trước hết là tự chủ tài chính. Đây là chìa khoá để thúc đẩy các trường đại học phát triển. Chính phủ vừa ban hành quy định mới về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 6 năm 2021 đã quy định rõ điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; về tự chủ tài chính nói chung và tự chủ tài chính của đại học vùng. Các đơn vị tự chủ tài chính được phân thành 4 nhóm, gồm:

Nhóm 1 là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; nhóm 2 là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 là các đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 là các đơn vị do Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Những điểm mới trong Nghị định 60/2021/NĐ- CP tạo điều kiện cho các trường đại học công lập đã tự chủ (nhóm 1) có căn cứ pháp lý để đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ, cũng như chủ động chi trả lương, thưởng cho những cán bộ, giảng viên theo quy định.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục đại học thì quyền tự chủ tài chính nhưng lại bị giới hạn về mức thu học phí không vượt quá giới hạn tối đa theo quy định của Nhà nước. Trong những năm qua, việc tăng nguồn thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho các giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá [13].

Trải qua những khó khăn trong đại dịch COVID-19, và những yêu cầu đổi mới của thời đại, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học cần đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số.

(11)

4. Kết luận

Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và cũng chính là yêu cầu nội tại của các trường đại học nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện những vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số để tìm cách tháo gỡ, khắc phục nhằm phát triển giáo dục đại học nói chung và từng cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích các yêu cầu đối với chuyển đổi số thành công, từ cơ chế, chính sách, đến nhân lực, vật lực, tài lực và bước đầu gợi mở một số đề xuất nhằm thực hiện việc chuyển đổi số thành công tại các cơ sở giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo

[1] L. M. L. Lorente, Ana Ancheta Arrabal and Cristina Pulido-Montes, The Right to Education and ICT during COVID-19: An International Perspective, Sustainability 2020, 12(21), 9091;

https://doi.org/10.3390/su12219091

[2] Trường Đại học Thái Bình, Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Cơ hội và thách thức, https://tbu.edu.vn/chuyen-doi-so-trong-giao-duc- dai-hoc-co-hoi-va-thach-thuc.html, (accessed on:

Jannuary 28th, 2022).

[3] https://chuyendoisodoanhnghiep.info/chuyen-doi-so- trong-giao-duc/, (accessed on: Jannuary 28th, 2022).

[4] Trường Đại học Đại Nam, Chuyển đổi số trong đào tạo bậc Đại học, https://dainam.edu.vn/vi/vien-sau- dai-hoc/tin-tuc/chuyen-doi-so-trong-dao-tao-bac- dai-hoc/2021, (accessed on: Jannuary 28th, 2022).

[5] https://dantri.com.vn/suc-manh-so/zoom-co-the- bi-tan-cong-chen-noi-dung-khieu-dam-tuc-tiu- vao-cuoc-goi-20200403121033853.html/2020 , (accessed on: September 20th, 2021)

[6] Bộ Công Thương Việt Nam, Chuyển đổi số trong giáo dục đại học, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien- nguon-nhan-luc/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai- hoc.html/2021, (accessed on: Jannuary 28th, 2022).

[7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đào tạo trực tuyến - kinh nghiệm của Viện Đại học Mở Hà Nội, https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=580/201 8, (accessed on: Jannuary 28th, 2022).

[8] ĐHQGHN, Tập huấn vận hành và sử dụng phần mềm E-Learning (LMS) do ĐHQGHN phát triển, https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2600/N28323/Tap-huan- van-hanh-va-su-dung-phan-mem-E-Learning- (LMS)-do-dHQGHN-phat-trien.html, (accessed on Jannuary 28, 2022).

[9] N. T. X. Son, N. T. M. Hanh, N. P. Hoang, N. T.

H. Suong & P. B. Nguyen, The right to education through online learning in times of Covid-19: A Case Study at the School of Law, Vietnam National University, The Law Teacher, DOI:

10.1080/03069400.2021.1921369.

[10] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phát động Chương trình Sóng và máy tính cho em: Gieo những hạt mầm yêu thương https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong- hop.aspx?ItemID=7514/2021 (accessed on:

Jannuary 28th, 2022).

[11] Đ. V. Hùng, Tài nguyên giáo dục mở và nhận diện các yếu tố tác động đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 4, 2016. https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu- vien/tai-nguyen-giao-duc-mo-va-nhan-dien-cac- yeu-to-tac-dong-den-viec-phat-trien-tai-nguyen- giao-duc-mo-tai-viet-nam.html, (accessed on:

November 16th, 2022).

[12] https://lms.vnu.edu.vn/learn/lop-hoc/chi- tiet/9890fd14-e93a-4115-a9e9-54add7ee992d, (accessed on: November 16th, 2022).

[13] L. Đ. Hạc, Tự chủ tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập, Tạp chí Tài chính, kì 1, 8/2020.

https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tu-chu- tai-chinh-tai-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-cong-lap- 330385.html, (accessed on: Jannuary 28th, 2022).

Referensi

Dokumen terkait

nhà trường tiểu học, việc đổi mới PPDH đã được triển khai thực hiện từ khá lâu và hầu hết giáo viên tiểu học GVTH đều có ý thức phải đổi mới PPDH, nhưng trong quá trình thực hiện, do